Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020, chiều ngày 22/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì phiên hội thảo chuyên đề: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho phát triển bền vững năng lượng Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay, cả thế giới đang phải gánh chịu và tìm hướng đi mới sau những hậu quả trầm trọng do đại dịch COVID-19. Không thể tránh khỏi những ảnh hưởng nặng nề từ nền kinh tế thế giới, song Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực để duy trì những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà trong đó, ngành năng lượng tiếp tục là mạch máu, đóng vai trò then chốt hơn cả.
Tuy nhiên, Đảng và Chính phủ Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, lĩnh vực năng lượng Việt Nam cần phải thay đổi hướng phát triển để phục vụ hiệu quả hơn cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, mặc dù ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước chuyển đổi tích cực, năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đất nước, song vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, đặc biệt đối với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và trong một số khía cạnh cụ thể như nguồn cung trong nước không đủ và nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên năng lượng chưa hiệu quả; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng thiếu đồng bộ; thị trường năng lượng thiếu liên thông giữa các phân ngành.
Để giải quyết những tồn tại đó, Nghị quyết 55/NQ/TW định hướng việc phát triển ngành năng lượng trong giai đoạn tới, trong đó, cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng được đặc biệt quan tâm. Nghị quyết khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, phát triển năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là tất yếu, song phát triển năng lượng phải đi liền với đảm bảo an ninh năng lượng, gắn với bảo vệ môi trường. Để đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp chiến lược quan trọng cần triển khai chính là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cải thiện hiệu suất năng lượng để giảm mức tiêu hao năng lượng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì Hội thảo
Như vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu,… từ đó, giải quyết được những thách thức tồn tại đã đề cập ở trên.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành năm 2010 cùng với một hệ thống các văn bản hướng dẫn thực thi. Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai trong giai đoạn 2006-2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Tiếp nối là Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu đề ra: tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Gần đây nhất là Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 đã được phê duyệt với mục tiêu rõ rệt là tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ.
Cùng với Nghị quyết 55/NQ/TW, những văn bản, chương trình, chỉ thị trên đã cho thấy tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam tới lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
"Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng kỹ thuật để giảm thiểu tình trạng thất thoát và lãng phí trong sử dụng năng lượng tại tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, chiếu sáng cộng cộng, cho đến tiêu thụ năng lượng tại công sở và hộ gia đình" - Thứ trưởng khẳng định.
Kinh nghiệm của các quốc gia thành công khi xây dựng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải, cho thấy các hoạt động tổng thể về tiết kiệm năng lượng cần được duy trì, củng cố và hoàn thiện liên tục cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được lồng ghép vào trong các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia, cũng như chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời bày tỏ tin tưởng, với sự đồng hành gắn kết của các bộ, ban ngành, các địa phương, hiệp hội và cộng đồng, cũng như sự hợp tác chặt chẽ của các Chính phủ, tổ chức quốc tế, ngành năng lượng Việt Nam sẽ triển khai thành công và đạt được những mục tiêu mong đợi trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.