QUY ĐỊNH ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN THỦY SẢN, ÁP DỤNG CHO QUÁ TRÌNH CHẾ BIẾN CÔNG NGHIỆP CỦA CÁC NHÓM SẢN PHẨM CÁ DA TRƠN VÀ TÔM
BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/2018/TT-BCT |
Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2018 |
QUY ĐỊNH ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN THỦY SẢN, ÁP DỤNG CHO QUÁ TRÌNH CHẾ BIẾN CÔNG NGHIỆP CỦA CÁC NHÓM SẢN PHẨM CÁ DA TRƠN VÀ TÔM
Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Thực hiện Quyết định số 1028/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13 tháng 7 năm 2017 về việc phê duyệt khung chính sách năm 2018 thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản, áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp của các nhóm sản phẩm cá da trơn và tôm.
Thông tư này quy định định mức tiêu hao năng lượng cho quá trình chế biến công nghiệp của các nhóm sản phẩm cá da trơn và tôm trong giai đoạn đến hết năm 2025 và giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở chế biến cá da trơn và tôm có quy mô từ 300 tấn sản phẩm/năm trở lên và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
1. Suất tiêu hao năng lượng (SEC) là tổng mức năng lượng tiêu hao trong quá trình chế biến trực tiếp và gián tiếp cho một đơn vị sản phẩm tương đương.
2. Định mức tiêu hao năng lượng là suất tiêu hao năng lượng cần đạt theo từng giai đoạn theo quy định của Thông tư này.
3. IQF (Individual Quick Freezing) là phương pháp cấp đông nhanh các sản phẩm rời.
4. Sản phẩm tương đương là sản phẩm được chế biến quy đổi tương ứng với cá phi lê được cấp đông trên băng chuyền IQF mạ băng tới 15%, tái đông 1 lần và tôm tươi được cấp đông trên băng chuyền IQF theo hệ số quy đổi về năng lượng được quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.
ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN THỦY SẢN
Điều 4. Phương pháp xác định suất tiêu hao năng lượng
Suất tiêu hao năng lượng cho quá trình chế biến công nghiệp của các nhóm sản phẩm cá da trơn và tôm được xác định theo phương pháp quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.
Điều 5. Định mức tiêu hao năng lượng
1. Định mức tiêu hao năng lượng áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp sản phẩm cá da trơn là 1.050kWh/tấn sản phẩm cá tương đương và 2.050 kWh/tấn sản phẩm tôm tương đương giai đoạn đến hết năm 2025.
2. Định mức tiêu hao năng lượng áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp sản phẩm cá da trơn là 900 kWh/tấn cá tương đương và sản phẩm tôm là 1.625 kWh/tấn tôm tương đương giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030.
Điều 6. Yêu cầu về đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng
1. Cơ sở chế biến thủy sản đang hoạt động có suất tiêu hao năng lượng cao hơn định mức tiêu hao năng lượng tương ứng đối với từng giai đoạn quy định tại Điều 5 Thông tư này phải lập và thực hiện kế hoạch nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng quy định tại Điều 5 Thông tư này.
2. Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, cơ sở chế biến thủy sản có trách nhiệm báo cáo Sở Công Thương địa phương:
- Tình hình thực hiện định mức tiêu hao năng lượng năm trước của đơn vị theo quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.
- Ngoài nội dung báo cáo nêu trên, cơ sở chế biến thủy sản có suất tiêu hao năng lượng cao hơn định mức tiêu hao năng lượng quy định tại Thông tư này còn có trách nhiệm báo cáo kế hoạch nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, trong đó nêu rõ các giải pháp tiết kiệm năng lượng và kế hoạch triển khai thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 7. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành chế biến thủy sản
1. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng bao gồm:
- Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng trong cơ sở chế biến thủy sản và thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quản lý năng lượng;
- Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng có mức đầu tư thấp (thay thế các thiết bị đơn lẻ có hiệu suất năng lượng cao hơn);
- Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng có mức đầu tư cao (thay thế một, vài cụm thiết bị có hiệu suất năng lượng cao hơn hoặc thay đổi công nghệ để cải thiện hiệu suất năng lượng).
2. Khuyến khích cơ sở chế biến thủy sản áp dụng các giải pháp cải thiện, nâng cao hiệu suất năng lượng quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.
Điều 8. Trách nhiệm của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Thông tư này.
2. Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương kiểm tra tình hình thực hiện định mức tiêu hao năng lượng, tính khả thi của các kế hoạch nhằm đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng theo lộ trình.
3. Tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Công Thương tình hình thực hiện Thông tư và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định pháp luật đối với những trường hợp không thực hiện đúng các quy định của Thông tư.
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Công Thương
1. Phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.
2. Hàng năm, thực hiện kiểm tra việc tuân thủ định mức năng lượng, tính khả thi của các kế hoạch nhằm đảm bảo tuân thủ định mức năng lượng theo lộ trình của các cơ sở chế biến thủy sản tại địa phương (đối với các cơ sở sản xuất chưa đáp ứng quy định về định mức tiêu hao năng lượng).
3. Tổng hợp việc tuân thủ định mức năng lượng hàng năm của các cơ sở chế biến thủy sản tại địa phương và báo cáo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương trước ngày 31 tháng 01 năm sau theo quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.
Điều 10. Điều khoản chuyển tiếp
Trong vòng 6 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các cơ sở chế biến thủy sản chưa thể xác định được định mức tiêu hao năng lượng theo quy định của Thông tư có trách nhiệm lắp đặt đầy đủ đồng hồ đo đếm năng lượng để đảm bảo tính toán chính xác suất tiêu hao năng lượng của cơ sở.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 02 năm 2019.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương để nghiên cứu hướng dẫn, giải đáp, sửa đổi, bổ sung Thông tư./.
|
BỘ TRƯỞNG |