Thông tư 39/2011/TT-BCT Đào tạo, cấp chứng chỉ QLNL và Kiểm toán viên NL

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 39/2011/TT-BCT

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2011

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO, CẤP CHỨNG CHỈ QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG VÀ KIỂM TOÁN VIÊN NĂNG LƯỢNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 44/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 6 năm 2011 sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng như sau,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đào tạo quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng; thẩm quyền cấp, công nhận chứng chỉ quản lý năng lượng; cấp, công nhận, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đào tạo, cấp, công nhận chứng chỉ quản lý năng lượng; đào tạo, cấp, công nhận, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Chứng chỉ quản lý năng lượng: là chứng chỉ do Bộ Công Thương cấp cho người đạt kết quả trong kỳ thi cấp chứng chỉ quản lý năng lượng.

2. Chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng: là chứng chỉ hành nghề do Bộ Công Thương cấp cho người đạt kết quả trong kỳ thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng.

Chương II

CƠ SỞ ĐÀO TẠO QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG, KIỂM TOÁN VIÊN NĂNG LƯỢNG

Điều 4. Điều kiện để được công nhận là cơ sở đào tạo quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng

Cơ sở đào tạo quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật và đáp ứng được các điều kiện sau:

1. Về cơ sở vật chất

a) Có phòng học với diện tích, điều kiện về chiếu sáng, thông gió phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; có phương tiện giảng dạy tối thiểu gồm máy tính, máy chiếu, màn hình, bảng viết và các thiết bị cần thiết khác;

b) Có cơ sở thực hành về hệ thống nhiệt, hệ thống bơm, hệ thống quạt, khí nén và hệ thống chiếu sáng;

c) Có đầy đủ trang thiết bị kiểm toán năng lượng.

2. Về đội ngũ giảng viên

a) Phải có đủ số lượng giảng viên đáp ứng quy mô đào tạo, trong đó có ít nhất 2 giảng viên thuộc biên chế cố định của cơ sở đào tạo;

b) Giảng viên phải có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành kỹ thuật liên quan đến năng lượng, kiểm toán năng lượng, đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo.

3. Có bộ máy quản lý đào tạo đáp ứng yêu cầu về chuyên môn và nghiệp vụ để tổ chức đào tạo.

Điều 5. Hồ sơ đăng ký

Cơ sở đào tạo đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư này, lập hồ sơ gửi Tổng cục Năng lượng. Hồ sơ đăng ký gồm:

1. Đơn đề nghị được công nhận là cơ sở đào tạo quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng, trong đó cần thể hiện các thông tin liên quan đến cơ sở đào tạo như: người đại diện theo pháp luật, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, email, website. Mẫu Đơn được quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này.

2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập cơ sở đào tạo.

3. Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Điều 6. Thẩm định và công nhận cơ sở đào tạo

1. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký của cơ sở đào tạo, Tổng cục Năng lượng xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Tổng cục Năng lượng có văn bản yêu cầu cơ sở đào tạo bổ sung hồ sơ.

2. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ, Tổng cục Năng lượng tổ chức thẩm định, kiểm tra năng lực thực tế của cơ sở đào tạo theo nội dung quy định tại Điều 4 của Thông tư này và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định công nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng. Mẫu Quyết định được quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này.

Chương III

TỔ CHỨC ĐÀO TẠO VÀ CẤP CHỨNG CHỈ QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG, KIỂM TOÁN VIÊN NĂNG LƯỢNG

Điều 7. Điều kiện người tham gia dự tuyển

1. Người tham gia dự tuyển khóa đào tạo quản lý năng lượng phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

2. Người tham gia dự tuyển kháo đào tạo kiểm toán viên năng lượng phải có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về lĩnh vực năng lượng hoặc ngành kỹ thuật liên quan và có từ 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực năng lượng.

Điều 8. Tổ chức đào tạo

1. Cơ sở đào tạo thông báo tuyển sinh rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại cơ sở đào tạo. Nội dung thông báo tuyển sinh bao gồm:

a) Mục đích, yêu cầu của khóa đào tạo;

b) Nội dung chương trình, thời gian, địa điểm, kinh phí và các thông tin cần thiết khác của khóa đào tạo.

2. Cơ sở đào tạo tự thực hiện tuyển sinh và gửi văn bản đến Tổng cục Năng lượng trước ngày khai giảng bảy (07) ngày làm việc, thông tin về mục đích, địa điểm, thời gian, số lượng học viên, giảng viên tham gia khóa đào tạo. Trường hợp có thay đổi kế hoạch, cơ sở đào tạo phải thông báo kịp thời về Tổng cục Năng lượng.

3. Cơ sở đào tạo tiến hành đào tạo theo đúng nội dung chương trình do Bộ Công Thương quy định và cấp Giấy xác nhận đã hoàn thành khoá đào tạo quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng cho học viên theo quy định.

4. Cơ sở đào tạo được thu học phí của học viên theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo nguyên tắc lấy thu bù chi.

5. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm cáo Tổng cục năng lượng bằng văn bản về quá trình đào tạo tại cơ sở trong thời hạn 10 ngày sau khi tổ chức xong khóa đào tạo.

Điều 9. Điều kiện được dự thi để cấp chứng chỉ

1. Học viên có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng và đóng lệ phí theo quy định.

2. Đối tượng được dự thi để cấp chứng chỉ, không phải tham gia khóa đào tạo gồm:

a) Người tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng;

b) Người có giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng do các tổ chức quốc tế cấp được công nhận, thừa nhận tại Việt Nam.

Điều 10. Cấp chứng chỉ và công nhận, thừa nhận chứng chỉ

1. Người đạt kết quả trong kỳ thi do Bộ Công Thương tổ chức được cấp chứng chỉ có giá trị trên toàn quốc. Mẫu chứng chỉ quản lý năng lượng, chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng được quy định tại Phụ lục 3, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Người có chứng chỉ là người quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng do các tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc tổ chức quốc tế cấp mà có hiệp ước công nhận lẫn nhau thì được công nhận, thừa nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Đổi, cấp lại chứng chỉ quản lý năng lượng và chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng

1. Trong trường hợp chứng chỉ bị rách, nát hoặc bị mất người được cấp chứng chỉ có quyền đề nghị đổi lại, cấp lại chứng chỉ.

2. Hồ sơ xin đổi, cấp lại chứng chỉ bao gồm:

a) Đơn đề nghị xin đổi, cấp lại (nêu rõ lý do xin đổi, cấp lại);

b) 02 ảnh 3x4.

3. Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ xin đổi, cấp lại chứng chỉ quản lý năng lượng, chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng, Tổng cục Năng lượng xem xét tính hợp lệ và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương đổi, cấp lại chứng chỉ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng cho người xin đổi lại, cấp lại chứng chỉ.

4. Người xin đổi, cấp lại nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng

Trong trường hợp người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng sử dụng không đúng mục đích sẽ bị xử phạt, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng theo Điều 12 Nghị định số 73/2011/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Điều 13. Lưu trữ hồ sơ

1. Cơ sở đào tạo quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ các khóa đào tạo theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Hồ sơ lưu trữ gồm:

a) Hồ sơ nhập học của học viên, danh sách học viên được cấp giấy chứng nhận đã qua khóa đào tạo của từng khóa học;

b) Danh sách giảng viên tham gia giảng dạy cho mỗi khóa học;

c) Sổ quản lý việc cấp giấy chứng nhận đào tạo quản lý năng lượng, chứng nhận đào tạo bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ.

2. Tổng cục Năng lượng có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Hồ sơ lưu trữ gồm:

a) Danh sách người dự thi cấp chứng chỉ, kết quả của các kỳ thi;

b) Danh sách người được cấp chứng chỉ;

c) Hồ sơ và danh sách người xin đổi, cấp lại chứng chỉ.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2011.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Năng lượng chủ trì thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo của các cơ sở đào tạo quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng.

2. Các tổ chức, các nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này và gửi ý kiến, kiến nghị về Tổng cục Năng lượng để được hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

 

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Toà án nhân dân Tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân Tối cao;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- VCCI;
- Công báo;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, KHCN, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Quốc Vượng

  • 09/11/2018 00:08

Các Tin khác